Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Trở thành người nổi tiếng là ước mơ của không ít người, đặc biệt là những bạn trẻ muốn sớm khẳng định mình. Và không có gì nổi tiếng và danh vọng hơn khi bạn trở thành hoa hậu, nữ hoàng của sắc đẹp


Không ít những cuộc thi sắc đẹp diễn ra: Hoa Hậu ViệtNam, Hoa Hậu Hoàn Vũ ViệtNam, Hoa Hậu phụ nữ qua ảnh, Hoa Hậu thế giới người Việt. Các bạn trẻ đổ xô đi thi nhan sắc. Ai cũng muốn mang về một danh hiệu nào đó cho mình để được đổi đời. Do vậy mà người mẫu đi thi, sinh viên đi thi, cầu thủ đi thi…Chưa ở một quốc gia nào lại loạn người đẹp như ở ViệtNam.

                            Dàn thí sinh của các cuộc thi nhan sắc

Muốn được gọi là một người đẹp thật đơn giản, bạn chỉ cần đoạt giải trong một cuộc thi sắc đẹp. Vì sao các cuộc thi nhan sắc lại hút thí sinh dự thi đến vậy? Câu trả lời thật đơn giản. Nếu trở thành hoa hậu, bạn sẽ là ngôi sao của công chúng mặc dù bạn chẳng hề tham gia các hoạt động nghệ thuật, giải trí. Bạn là tâm điểm của truyền thông, lên mặt báo thường xuyên, xuất hiện trong các event, các hợp đồng quảng cáo béo bở, nếu là người mẫu thì dễ hơn trong việc thăng tiến, làm vedete…Là hoa hậu cũng đồng nghĩa với việc bạn luôn luôn lộng lẫy, được khoác lên mình những trang phục hàng hiệu đắt tiền, có một cuộc sống của ngôi sao…Đó cũng chính là những lý do khiến giới trẻ bị hấp dẫn trong câu chuyện danh vọng này.

Đào tạo hoa hậu là một “công nghệ”

Điều này đã được các nước Phương Tây và rất nhiều nước ở Châu Á coi là điều hiển nhiên. Ở ViệtNam, mặc dù chúng ta khá nặng nề về hai chữ truyền thống nhưng chúng ta vẫn phải công nhận thực tế hiển nhiên này. Chúng ta đang hội nhập kể cả về cách thức làm văn hóa. Và công nghệ đào tạo hoa hậu đã xuất hiện ở ViệtNam.

Bạn là một cô gái có nhan sắc, với gương mặt đẹp và chiều cao lý tưởng tất nhiên bạn có thể tham gia thi hoa hậu và có cơ hội trở thành hoa hậu. Điều đó tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại không hề đơn giản như chúng ta nghĩ. Bạn không thể trở thành hoa hậu nếu như bạn không có một ê kíp làm việc chuyên nghiệp bao gồm chuyên gia trang điểm, làm tóc, nhiếp ảnh gia, stylist, phục trang... Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải có nhiều tiền hoặc có một “đại gia” nào đó chống lưng.


                             " Hoa hậu ao làng" Ngọc Trinh xuất thân từ người mẫu nội y

Đến với một cuộc thi nhan sắc nào đấy, bạn phải được huấn luyện bài bản về kỹ năng trình diễn catwalk, kỹ năng giao tiếp và trả lời ứng xử, kỹ năng tạo dáng trước ống kính…
Không những vậy, muốn tạo được tiếng vang, muốn được công chúng biết đến bạn nhiều hơn thì khâu pr cực kỳ quan trọng. Bạn phải tạo được dấu ấn và quan hệ tốt với giới truyền thông. Có những trường hợp truyền thông đã góp phần không nhỏ cho sự đăng quang của một hoa hậu như trường hợp của Mai Phương Thúy. Tuy nhiên cũng có những trường hợp do pr quá liều mà dẫn đến những nhận định ảo đối với người hâm mộ như trường hợp của Huỳnh Bích Phương_thí sinh dự thi hoa hậu Việt Nam 2010.

 Cô có tần suất phủ kín tất cả các mặt báo. Hầu như tất cả các tờ báo, phương tiện truyền thông đều đồng loạt đưa tin về cô gái này. Điều này dẫn đến việc người ta nhầm tưởng và tin chắc rằng cô gái ấy sẽ đăng quang trong đêm chung kết. Thế nhưng kết qủa thật bất ngờ, cô ấy chỉ giành được danh hiệu người đẹp khả ái. Mãi sau này, khi dư âm về cuộc thi tạm lắng xuống, một sự thật nữa lộ ra: cô ấy đã mua tất cả các đầu báo để họ tung ngòi bút quảng bá hình ảnh cho cô ấy?. Từ đây người ta mới đặt ra một dấu chấm hỏi, liệu rằng báo chí và truyền thông có đúng khi tự biến mình là công cụ cho những ai muốn truyền bá mà dần phủ bỏ trách nhiệm là người đưa tin của công chúng? Và cả người pr lẫn người cần pr đang ra tay “quá liều”?

Sự quan tâm thái quá của giới truyền thông

Cách đây chưa lâu, dư luận còn chưa hết bàng hoàng khi một nhân vật không kém phần quan trọng trong buổi lễ trình diễn 1000 năm Thăng Long Hà Nội là hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân vắng mặt. Người ta giật mình, không biết cô này ốm hay bị làm sao lại vắng mặt trong buổi lễ mà chính cô đã hứa hẹn rất nhiều trên mặt báo. Công chúng mong chờ một lời giải thích của người đẹp bao nhiêu thì lại thất vọng trước câu trả lời chứa nhiều phần bao biện và không kém phần lố bịch bấy nhiêu: vì tắc đường và điện thoại hết pin nên không thể đến với đại lễ được. Chưa hết, người đẹp này còn phát ngôn bất nhất trên các mặt báo khiến cho dư luận không khỏi ngán ngẩm trước thái độ ứng xử hơi kém văn hóa của hoa hậu.

Gần đây, dư luận lại một lần nữa ồn ào với câu chuyện của một cô hoa hậu khác. Trên Google, có lẽ từ khóa Mai Phương Thúy được tìm kiếm khá nhiều. Sự kiện hoa hậu có lời nói vô lễ trong một clip quảng cáo dầu gội đầu phản lại thuần phong mỹ tục của người Việt một lần nữa làm xôn xao dư luận. Rồi trên các mặt báo, người đẹp lại lên tiếng thanh minh, giải thích nhưng rút cuộc lại vẫn chỉ là bao biện. Những lời qua tiếng lại giữa người đại diện hình ảnh và nhãn hàng khiến cho công chúng thất vọng nặng nề.

Bộ ảnh Bikini trước biển của Mai Phương Thúy dậy sóng dư luận
                                Bộ ảnh Bikini gây dậy sóng dư luận của Mai Phương Thúy

Nhưng hãy thử lật lại vấn đề, công chúng vì sao lại thất vọng nhiều như vậy? Bởi lẽ người ta đã kỳ vọng quá nhiều. Hoa hậu phải thế này, Hoa hậu phải thế kia…Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như một người bình thường hay thậm chí là một người mẫu không tham gia trình diễn trong đại lễ, hay nói vô lễ trong clip quảng cáo, nhưng với hoa hậu lại khác. Bởi lẽ chính báo chí và truyền thông đã tạo ra những nhận định có phần sai lệch của công chúng, gán ghép cho họ những cụm từ như: “Đại diện cho phụ nữ Việt Nam”, “Cô gái đẹp nhất Việt Nam”…Nhưng có một thực tế mà chúng ta cần phải khẳng định lại là: Hoa hậu không phải là người đẹp nhất Việt Nam, hoa hậu chỉ là người có thể là đẹp nhất trong một cuộc thi (bởi chỉ là do nhận định của Ban Giám Khảo trong cuộc thi đó), mà cuộc thi đó chỉ có mấy chục người tham gia. Tôi thấy có nhiều cô gái đẹp hơn hoa hậu rất nhiều không đi thi hoa hậu, hơn 40 triệu phụ nữ ViệtNamkhông đi thi hoa hậu và họ cũng không bình chọn Mai Phương Thúy hay Thùy Dung là hoa hậu. Thậm chí nhiều hoa hậu bị công chúng phản đối dữ dội ngay trong đêm đăng quang như trường hợp của hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân. Khi chúng ta muốn khen một cô gái đẹp không nhất thiết phải gắn cho họ hàng ngàn mỹ từ. Tất nhiên các hoa hậu của chúng ta rất đẹp nhưng họ không phải là những nữ thần nhất thiết phải ảnh hưởng đến nhân gian. Bởi lẽ Hoa Hậu thực chất đâu phải là một danh hiệu…

Kết

Dẫu biết rằng truyền thông chính là cầu nối giữa công chúng với văn hóa, với nghệ sĩ, truyền tải và phản ánh chân thực nhất bộ mặt văn hóa của quốc gia. Tuy nhiên không vì thế mà giới truyền thông biến những sự kiện văn hóa và công chúng thành trò lố, khiến các bạn trẻ có cái nhìn lệch lạc về cuộc thi sắc đẹp và danh từ “người đẹp”. Truyền thông hãy là bạn của công chúng, đừng cố tình biến hoa hậu thành một cái “nghề”…
                                                       

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -